Logo Galaxy Header flex-none

Tải ứng dụng galaxy Cinema

Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh

Trang chủ / Blog điện ảnh / Thí Sinh "Điện Ảnh" Trên Sân Chơi Việt: Thế Nào Mới Hài Lòng Khán Giả? (P2)

Thí Sinh "Điện Ảnh" Trên Sân Chơi Việt: Thế Nào Mới Hài Lòng Khán Giả? (P2)

Xét theo khía cạnh khách quan, sau khi rời khỏi rạp chiếu phim, phản ứng gay gắt của khán giả khi “bị đổ lỗi” trong thời gian gần đây, nằm ở việc doanh thu giữa phim trong nước và phim nước ngoài có sự tương phản rõ rệt. Là vì phim Việt không hay, nội dung nhảm nhí, diễn viên thiếu đào tạo bài bản, kịch bản lỗi thời hay là là do sự ác cảm vốn đã có từ trước? Việc này công bằng mà nói thuộc về hệ lụy dây chuyền trong ngành công nghiệp phim “mì ăn liền” ở thập niên 2000. Trong suốt thời gian dài, trải nghiệm vô số tác phẩm chưa được đầu tư chỉn chu đã gần như tạo nên một thói quen nhìn nhận phim Việt không mấy thiện cảm trong tư duy khán giả. Ngoại trừ các vấn đề như kinh phí làm phim, hệ thống kiểm duyệt thì mấu chốt còn nằm ở đường dây kịch bản được xây dựng sơ sài, phần lớn diễn viên chưa được rèn luyện chuyên sâu hoặc chuyển hướng từ sân khấu nên đôi lúc không thể lột tả hết được cá tính nhân vật.

Thế nhưng nói đi cũng cần nói lại, giai đoạn từ 2010 trở về sau có thể được xem là bước chuyển mình lớn của điện ảnh Việt Nam. Nhiều đạo diễn có chuyên môn từ nước ngoài trở về, thế hệ diễn viên trẻ đầy tiềm năng cùng sự lột xác trong kịch bản đã giúp phim Việt tạo dựng được uy tín đối với khán giả. Tất nhiên khi xã hội ngày càng phát triển thì hiển nhiên yêu cầu và cách nhìn nhận một bộ phim của công chúng sẽ trở nên khắt khe hơn. Có một điều không thể phủ nhận chính là người bỏ tiền ra mua vé phim vẫn luôn ưu tiên các tác phẩm ngoại hơn.

Thậm chí ngay cả khi phim Việt có chất lượng tốt vẫn thất thế về doanh thu trước các phim nước ngoài, dù rằng những bộ phim ấy hoàn toàn không thể gọi là phim hay. Là do dân Việt “sính ngoại”, khán giả quay lưng với phim nước nhà, phim Việt dở hay người xem dễ dãi, chỉ thích xem phim giải trí cho vui chứ không cần để tâm nội dung? Sự tranh luận cứ thế mà tiếp diễn, lần này còn xung đột đến cái gọi là “dân trí” và “niềm tin” với điện ảnh.

Có thể cho rằng nên phê phán nhà làm phim khi họ đã quá lạm dụng các yếu tố câu khách tầm thường như hài nhảm, cảnh nóng, tên tuổi lớn mà không chú trọng mặt nội dung, cũng như yếu tố nghệ thuật. Dẫn đến sự chán nản của khán giả, khiến cho khi một tác phẩm được đầu tư bằng cả tâm huyết và công sức nghiêm túc, đến lúc phát hành lại chỉ thu hút được số ít người xem, bị thờ ơ, nhận xét đánh đồng rằng “phim Việt thì coi làm gì!”. Nhưng cũng có thể trách sang khán giả khi họ đã quá vội phán xét, giữ mãi định kiến về phim Việt, vô tình đẩy những tác phẩm chất lượng đến sự tuyệt vọng, không ai thưởng thức, không đạt hiệu quả doanh thu. Và rồi thì sao? Câu chuyện lại quay về phía những người đứng phía sau một bộ phim, họ sẽ một lần nữa nản lòng và chỉ cho ra đời những cảnh quay tạm bợ thiếu chuyên nghiệp, kịch bản đơn giản không có chiều sâu, và rồi khán giả lại quay sang bỏ rơi phim Việt.

Vòng tròn luận điểm giữa hai phía được nêu ở trên thật ra vừa đúng lại vừa sai. Bởi đấy chỉ là số ít mặt tiêu cực. Cục diện phim Việt và sự nhìn nhận của khán giả đối với điện ảnh nước nhà hiện nay vẫn thuộc phần lớn là mặt tích cực. Bởi khi nhìn lại cuộc chiến doanh thu phòng vé có thể dễ dàng nhận thấy rằng, vẫn còn đâu đó nhiều phim đạt chất lượng tốt đi kèm doanh thu khả quan, thậm chí là mức doanh thu kỷ lục. Số đông khán giả luôn ủng hộ phim Việt, các nhà làm phim vẫn nhận được sự động viên tinh thần đầy lạc quan đấy và tiếp tục không ngừng phát triển, tiến bộ hơn qua mỗi lần ra mắt tác phẩm mới. Sự cố gắng đến từ phía người xem – người làm phim vẫn luôn bổ trợ lẫn nhau.

Hãy tạm bỏ qua vấn đề “dân trí” khi đánh giá cách mà ai đó tiếp cận một bộ phim, sự thật là mỗi cá nhân khi đã có dịp trải nghiệm một tác phẩm bất kỳ, họ đều có quyền tự do đưa ra nhận xét theo tính chủ quan hoặc khánh quan. Chẳng phải phim ảnh từ xưa đến nay luôn cố tìm các hướng đi mới để càng lúc càng đến gần với mọi tầng lớp khán giả hay sao? Không còn chỉ là công cụ giải trí của quý tộc, giờ đây ai cũng thể xem phim, tất cả đều bình đẳng như nhau. Nói cách khác, “gu” phim của mỗi người mỗi khác nhau, điều này không hề liên quan gì đến trình độ, hay kiến thức, nó phụ thuộc vào cảm xúc và người đã bỏ tiền ra mua vé xem phim thì đều có quyền nói lên lời bình phẩm của mình. Dẫu có khen chê thế nào, dùng lời lẽ gay gắt ra sao, thì nền tảng đánh giá một phim hay hoặc dở ngoài các nhà phê bình chuyên nghiệp thì khán giả cũng có đóng góp quan trọng không kém.

Ngoài ra nếu được, cũng nên cho qua những thiếu sót còn tồn tại trong phim Việt. Nền điện ảnh của bất kỳ quốc gia nào cũng luôn có các điểm mạnh, yếu riêng biệt. Tuy vẫn còn những tác phẩm kém nhưng song song đó luôn có sự hiện diện của nhiều phim mới xuất sắc. Phim Việt đã dần ghi dấu ấn tại các đấu trường giải thưởng quốc tế trong nhiều năm gần đây. Thậm chí đã có sự hợp tác giữa Việt Nam và các tên tuổi Hollywood. Bất kỳ thời điểm nào, chính bản thân điện ảnh nước nhà luôn có sự cố gắng, nỗ lực không ngừng để đem đến một diện mạo mới. Phấn đấu để cho ra đời những thước phim hoàn hảo nhất, chất lượng tốt nhất phục vụ cho các tín đồ điện ảnh.

Trong tương lai, mọi việc xảy ra như thế nào thì không thể đoán trước. Nhưng bất cứ gì cũng vậy, cái tốt sẽ được công nhận và càng chứng minh được vị thế xứng đáng. Còn những gì tệ nhất rồi cũng phải bị loại bỏ, đào thải đi, đấy là quy luật tất yếu. Câu chuyện về điện ảnh Việt Nam và khán giả Việt vẫn còn đó và sẽ không có hồi kết, nhưng trên tất cả đây vẫn là điều thuộc về những thứ bình dị nhất khi nói đến phim ảnh. Một chủ đề thú vị, đáng được nhìn nhận và cùng nhau đưa ra ý kiến để xây dựng, giải quyết theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Thí Sinh "Điện Ảnh" Trên Sân Chơi Việt: Thế Nào Mới Hài Lòng Khán Giả? (P1)