Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh
Nói về sự nghiệp của Pixar, những câu chuyện xoay quanh quá trình ra đời tác phẩm đầu tiên của họ - phim hay Toy Story dường như đã trở thành huyền thoại trong nền công nghiệp điện ảnh.
Disney là nhà đồng sản xuất Toy Story vì vào lúc này Pixar đang gặp khó khăn về tài chính. Các giám đốc điều hành của Nhà Chuột hầu hết đều phản đối phương thức làm việc của Lasseter và các cộng tác viên của anh (những người có tư tưởng độc lập không kém cạnh Lasseter). Disney muốn nó phải là một bộ phim nhạc kịch chứ không phải nói về tình bạn, họ không thích từ “đồ chơi” trong tiêu đề, họ ghét việc cắt giảm sớm và tạm dừng sản xuất trong thời gian ngắn. Tựu chung lại, Toy Story dường như đã bị “ghẻ lạnh” ngay từ khi mới bắt đầu.
Có thể ví mối quan hệ ban đầu của Pixar và Disney như David và Goliath – một mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa người nghệ sĩ nhỏ bé, kém may mắn và một “kẻ khổng lồ”. Thế nhưng trên thực tế, họ cần nhau để thành công.
Có một tin đồn cho rằng vào lúc bấy giờ, Jeffrey Katzenberg thuộc Disney (sau này trở thành người sáng lập DreamWorks cùng Teven Spielberg và David Geffen) đã có nhiều bất đồng với Jobs cũng như nhóm nhân viên của Pixar. Tuy nhiên, cũng chính ông là người đã thúc đẩy ý tưởng xây dựng Toy Story thành một câu chuyện về tình bạn thân đồng thời đem đến cho nó nhiều giá trị, góc nhìn hơn so với các phim hoạt hình cổ điển.
Nếu không có túi tiền sâu rộng của Disney, có thể Pixar sẽ không bao giờ trở thành một hiện tượng văn hóa khổng lồ như ngày nay.
“Chúng tôi là những người đã tạo nên sự thành công của Toy Story. Chúng tôi đã tập hợp mọi bộ phận của mình, từ các nhà tiếp thị tiêu dùng đến Disney Channel – tất cả chỉ để giúp cho bộ phim trở nên thành công” - Ông chủ của Disney, Michael Eisner nhận xét trong cuốn sách Disney War của James B Stewart.
Thành công của Toy Story đã cho phép Pixar có quyền xây dựng một thương hiệu bình đẳng với Disney trong tất cả các dự án sau này, bao gồm việc quảng bá và bán các sản phẩm ăn theo. Điều này đồng nghĩa với việc Pixar được công nhận là một hãng phim lớn theo đúng nghĩa đen chứ không chỉ là một bộ phận trực thuộc hay nhà cung cấp cho Disney.
Sau một thập kỷ, khi Disney mua lại Pixar với giá 7.4 tỷ đô la vào năm 2006, lúc bấy giờ, Lasseter và các cộng tác viên chủ chốt của ông đã có thể giữ quyền tự chủ sáng tạo của chính họ.
Trên tờ New York, nhà phê bình Anthony Lane đã khẳng định: Không có ai đi xem một bộ phim vì nó được làm bởi Universal hay 20th Century Fox. Đấng mày râu khi rời khỏi rạp chiếu phim đều không bận tâm công ty nào sản xuất bộ phim mà họ vừa xem bằng việc ai đã chế tạo ra cái máy sấy tay trong nhà vệ sinh nam. Tuy nhiên, Pixar là ngoại lệ. Mọi người đều biết Pixar.
Nhận xét của Lane đã gợi mở lý do tại sao các bộ phim của Pixar lại thành công đến như vậy trong thời gian dài. Chúng được quảng bá rất thông minh. Họ không chỉ đầu tư vào quá trình làm phim mà còn rất coi trọng khâu xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm của mình tiếp cận đến công chúng.
Các tác phẩm của Pixar là ví dụ hoàn hảo về cái mà Hollywood gọi là “phim của mọi nhà”. Chúng thu hút trẻ em, người già, đàn ông và phụ nữ. Điều kỳ diệu là những bộ phim chiếu rạp như The Incredibles, Wall-E, Inside Out, Finding Nemo, Cars và Coco đều đạt được sức hấp dẫn trên toàn cầu mà không hề bị trùng lặp hay nhạt nhẽo theo thời gian. Chúng đưa người xem tiếp cận với những cảm xúc đen tối trong Inside Out, hay cái chết trong Coco một cách rất cuốn hút và tươi mới. Pixar cũng đã chứng minh được một điều rằng phim hoạt hình được làm bằng máy tính vẫn giàu cảm xúc nhiệm màu như các tác phẩm được vẽ bằng tay đáng yêu nhất mà Disney đã tạo ra được trong thời kỳ hoàng kim.
Một điều mà Pixar thường bị chỉ trích nhiều nhất đó chính là người ta gọi hãng “chỉ là câu lạc bộ dành cho cánh đàn ông”. Từ vị trí đạo diễn, nhân vật chính là người, một chú cá hay đồ chơi – tất cả đều có giới tính nam.
Năm 2012, giới điện ảnh được một dịp xôn xao khi Brenda Chapman trả lời trên The New York Times rằng việc bị loại khỏi ekip làm phim Brave đã khiến bà cảm thấy thật kinh khủng. Tuy nhiên sau đó, bà cho biết vì “tầm nhìn của tôi vẫn ảnh hưởng xuyên suốt bộ phim và vì tôi đã dám lên tiếng cho chính bản thân mình” nên “tôi vẫn rất tự hào về nó”.
Năm 2017, hai nhà biên kịch Rashida Jones và Will McCormack - những người đang đảm nhiệm vai trò biên kịch cho Toy Story 4 tuyên bồ rằng Pixar đã tạo nên “một nền văn hóa không có sự bình đẳng cho phụ nữ và người da màu”. Điều này khiến một hãng phim được yêu thích hàng đầu bỗng dưng trở thành “kẻ tội đồ”. Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi phong trào #MeToo nổ ra và kế tiếp, John Lasseter phải ra đi sau khi có nhiều đồng nghiệp nữ lên tiếng về việc ông thường xuyên có những hành động quá trớn với họ.
Tuy nhiên như đã nói từ đầu, những bê bối này không ảnh hưởng đến chất lượng làm phim của Pixar. Toy Story 4 hay Onward vẫn hay và hấp dẫn, vẫn nhận được nhiều đánh giá cao từ giới chuyên môn và sự thích thú lớn của khán giả.
Kết thúc năm 2020, Pixar cho ra mắt dự án mới mang tên Soul – một bộ phim mà hầu hết các nhà phê bình đều nhận định rằng “nó sẽ khiến trẻ em vỗ tay vì thích thú và người lớn phải rớm lệ vì cảm động”. Giữa một năm mà cả thế giới lao đao vì dịch bệnh, sự thành công của Pixar một lần nữa khẳng định vị thế của họ: Ngoại lệ duy nhất có 1-0-2 của Hollywood!
Theo Indeprnt