Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh
“Tuổi 16 ta đã vào tu viện
Mái tóc xanh đã cắt ngắn từ thuở nào
Bình sinh ta vốn là nữ nhân, chớ chẳng phải là nam nhân”
Nào có có ngờ đâu, chỉ vài ba câu hát đơn giản này đã ám ảnh và tạo nên cuộc đời đầy bi kịch của đệ nhất danh ca kinh kịch Trình Điệp Y.
Ra mắt tại các rạp chiếu phim vào năm 1993, Bá Vương Biệt Cơ của đạo diễn Trần Khải Ca xuất sắc giành chiến thắng với giải thưởng Cành Cọ Vàng ở Liên hoan phim Cannes. Tại lễ trao giải năm ấy, nam diễn viên Trương Quốc Vinh đã được một thành viên trong ban giám khảo bỏ phiếu ở cả hai hạng mục Nam – Nữ Chính Xuất Sắc Nhất. Nguyên nhân có thể một phần do chính màn thể hiện quá ấn tượng với vai Trình Điệp Y của huyền thoại điện ảnh Châu Á.
Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Lý Bích Hoa, câu chuyện trong Bá Vương Biệt Cơ khắc họa về một người nghệ sĩ với tình yêu hết mình dành cho nghệ thuật. Chàng diễn viên kinh kịch ấy gắn liền cuộc đời của bản thân vào vở Bá Vương Biệt Cơ nổi tiếng. Điển tích về mối tình lưu danh thiên sử giữa nàng tuyệt sắc giai nhân Ngu Cơ cùng Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ kiêu hùng như đã vận vào chính Trình Điệp Y. Hà cớ gì lại phải để mọi chuyện trở nên không thể cứu vãn được nữa?
Là con của một kỹ nữ, cậu bé Đức Chí như một gánh nặng thừa thãi bởi sự chào đời không hề được mong đợi. Tiểu Đức Chí bị bỏ rơi, trong lần cuối cùng gặp mặt mẹ thì số phận của cậu vẫn chịu sự sắp đặt một cách tàn nhẫn và đau đớn nhất. Bà đã chặt đứt ngón tay dư thừa của con mình. Chính tiếng rao “mài dao, mài kéo đây, có ai mài dao không?” là điềm báo cho sự bắt đầu cuộc một cuộc đời đầy ai oán.
Chính vì lâm vào cảnh đơn độc tại một đoàn hát nhỏ đã rèn luyện cho Đức Chí một bản năng sinh tồn mạnh mẽ. Dù có lúc chịu khổ cực khi luyện tập, những trận đòn roi đầy tàn bạo của sư phụ nhưng Đức Chí vẫn lì lợm mà sinh tồn. Khi cả gan bỏ trốn ra ngoài cùng cậu bạn Lai Chi của mình, lần đầu tiên Đức Chí như thấy được mục tiêu của đời người, đấy là trở thành một kép hát nổi tiếng. Ai mà biết được thì ra chỉ có mỗi Đức Chí là đủ mạnh mẽ, cũng bởi sau đấy Lai Chi đã treo cổ tự tử vì không chịu nổi áp lực. Nỗi sợ bị đánh đòn đã khiến cậu bé cố ăn nốt phần mứt táo còn dư, món ăn yêu thích nhất, như một sự mãn nguyện tự giành lấy trước khi chết.
Suốt thời ấu thơ cho đến tuổi thiếu niên, người bạn luôn đồng hành cùng Đức Chí chính là Sĩ Tứ. Cậu trai Sĩ Tứ đầy lém lỉnh, toát lên nét ngông cuồng và ngạo mạn, luôn sẵn sàng “có phước cùng hưởng, có họa cùng chịu” với Đức Chí. Có lẽ vì sự che chở ấy mà Đức Chí luôn dành cho Sĩ Tứ một tình cảm quan tâm đặc biệt. Thế nhưng những ngày tháng hạnh phúc không kéo dài bao lâu, vở tuồng Bá Vương Biệt Cơ thì đã tìm thấy Sở Hạng Vũ qua phong thái của Sĩ Tứ, thì tất nhiên nàng Ngu Cơ hiển nhiên phải dành cho hoa đán trong tương lai – Đức Chí.
Lại một lần nữa, số phận của Đức Chí không phải do cậu tự quyết định, mà từ những sự áp bức đầy tủi nhục. Cậu thiếu niên tội nghiệp ấy với vệt máu còn vương ở miệng, hai hàng nước mắt chảy dài nhưng cố nở nụ cười thật tươi và hát vang vở Giấc Mộng Ngoài Tu Viện bằng câu “Bình sinh ta vốn là nữ nhân, chớ chẳng phải là nam nhân.” Từ đây, tiểu Đức Chí đã chết, người đứng đấy là một thân xác vô hồn, bám víu vào điểm tựa tinh thần duy nhất là Sĩ Tứ. Đức Chí hát chỉ bởi đơn giản vì cậu thật sự coi mình là Ngu Cơ, chấp nhận đầu hàng và để cho số phận điều khiển bản thân theo hướng mà nó sẽ diễn ra. Ngay cả khi bị một lão thái giám kinh tởm lợi dụng, Đức Chí vẫn chấp nhận thực tại ấy và sống với thứ ký ức đó một cách thản nhiên. Kể từ đấy, lời bán hàng “Ai mua mứt táo không?” khép lại một nửa chặng đường của Đức Chí.
Giờ đây tiếng tăm bộ đôi diễn viên kinh kịch Trình Điệp Y (nghệ danh mới của Đức Chí) và Đoàn Tiểu Lâu (nghệ danh mới của Sĩ Tứ) vang danh khắp nơi. Mỹ nhân Ngu Cơ dưới hình hài của hoa đán Trình Điệp Y quả thực khiến cho bất kỳ ai cũng phải si mê, đến mức vị Viên đại nhân quyền cao chức trọng cũng phải cảm thán trước vẻ đẹp ấy “Một nụ cười đem đến cả mùa xuân, một giọt lệ làm đen tối đất trời..”
Điệp Y dành cả cuộc đời và tâm tư dành cho kinh kịch, dành cả tình yêu trọn tâm trọn ý cho Tiểu Lâu, người mà anh xem là Bá Vương của lòng mình. Nhưng hỡi Điệp Y tội nghiệp ơi, tên Bá Vương “giả dạng” kia nào có biết trân trọng anh, hắn càng không đủ dũng khí và thần thái để làm một Bá Vương trên sân khấu. Chính Viên đại nhân – Viên Sĩ Quần đã chỉ ra sự hèn hạ như một tướng cướp ngang tàng của một Đoàn Tiểu Lâu mang danh nghĩa Sở Bá Vương. Vậy Trình Điệp Y có quan tâm chuyện đó hay không?
“Vẫn chưa đủ, ý tôi nói là ở suốt đời. Nếu thiếu mất một năm một tháng , một ngày, thậm chí là một giây…thì không còn là suốt đời nữa.”
“Điệp Y, cậu bị ám ảnh rồi, chính sân khấu đã ám ảnh và bám theo cậu đến cả ngoài thực tại này.”
Có thể nói không ai hợp vai Đoàn Tiểu Lâu hơn nam diễn viên Trương Phong Nghị. Từ điệu bộ oai hùng dưới lớp hóa trang Sở Bá Vương, cho đến khuôn mặt tồi tệ của gã đàn ông bất tài vô dụng, bỏ mặc đạo nghĩa để quay mặt với những người thân thuộc nhất của mình. Trương Phong Nghị đã thuyết phục khán giả rằng, ở một khía cạnh nào đó thì ông cũng chính là kẻ phản diện của bộ phim.
Cũng đúng, là Điệp Y say mê Tiểu Lâu vì nhầm tưởng anh là Bá Vương của đời mình, hay chỉ vốn một lòng một dạ với nghệ thuật kinh kịch. Nhưng có lẽ bản thân anh cũng thừa biết mình chỉ là một nàng Ngu Cơ được ngụy tạo từ ảo ảnh với niềm đam mê nghệ thuật tuồng cổ. Chỉ có Diệu Linh mới là ái thiếp danh chính ngôn thuận của Đoàn Tiểu Lâu.
Trớ trêu thật, ngày trước người mẹ kỹ nữ đã ruồng bỏ Điệp Y, khởi đầu cho nỗi kinh hoàng của số phận bám theo anh mãi mãi. Hôm nay, lại tiếp tục là một ả gái làng chơi cướp mất đi Tiểu Lâu, khiến cho Điệp Y một lần nữa trở thành kẻ ở lại cô độc đầy đau khổ.
Có lẽ đau thương nhất chính là ở chương cuối cùng khi thứ nhận về chỉ còn là sự phản bội đầy căm phẫn, từ những người mà Điệp Y đã tin tưởng và dồn hết tâm huyết để đối xử bằng chân tình. Anh từng cứu giúp và cưu mang một đứa trẻ bị bỏ lại, hài nhi đó lớn lên với tình yêu kinh kịch mãnh liệt giống hệt Điệp Y. Thế rồi cũng chính anh lại bị Tiểu Sĩ, người đệ tử duy nhất, “con rắn nhỏ” ngày xưa mà mình cứu mạng, quay trở lại đáp trả bằng một sự vong ân bội nghĩa, núp bóng dưới cái gọi là Cách Mạng Văn Hóa.
“Mẹ ơi, hai tay con lạnh lắm, lạnh lắm, lạnh như băng vậy.”
Củng Lợi đã hoàn toàn chứng minh được rằng, cô là một trong những diễn viên xuất sắc nhất của Trung Hoa Đại Lục. Tuy chỉ góp mặt ở vai phụ, nhưng mỗi một cảnh cô xuất hiện, dường như người xem chỉ còn thấy trên khung hình đây là nàng Diệu Linh đáng thương. Một người đàn bà với số phận đã gửi gắm nhầm cho gã đàn ông kém tài, lá gan như thỏ đế nhẫn tâm đẩy cô gánh chịu bi kịch kinh khủng nhất.
Ngày đứng trước cuộc điều trần về việc hát tuồng cho lính Nhật xem, Trình Điệp Y vẫn bình thản thú nhận rằng anh sẵn sàng biểu diễn cho bất cứ ai yêu thích kinh kịch. Không phân biệt hay kỳ thị, chỉ cần là khán giả chân thành, thì Điệp Y cũng hết mình nghiêm túc. Đến khi không còn kinh kịch là lẽ sống, anh lại hòa mình với thuốc phiện và buông thả bản thân. Nàng Ngu Cơ được tạo nên từ giấc mộng mơ màng của đời người, lại được chính một Ngu Cơ khác đồng cảm, đến vuốt ve và xoa dịu sự cô đơn đáng thương ấy. Diệu Linh với bản năng của người phụ nữ đi cùng thiên chức làm mẹ đã ôm Điệp Y vào lòng, hơn ai hết chính cô là người thấu hiểu sự tuyệt vọng trong lòng anh.
Rồi khi vở tuồng hạ màn, Viên Sĩ Quần dành cả đời với tình yêu Kinh kịch cũng chết đi, thanh bảo kiếm mà Điệp Y tốn bao công sức giữ gìn cho Tiểu Lâu lại bị hắn không trân trọng. Cái khí chất kiêu hùng oai phong, rốt cuộc cũng chỉ là thứ giả tạo, do Đoàn Tiểu Lâu tạo nên. Diệu Linh, người vợ ngày trước đã bỏ hết tất cả, vứt đi đôi hài để dùng hai bàn chân đất theo bước tên “ngụy” Bá Vương đê tiện kia, cũng bị hắn phản bội và bằng những lời lẽ cay nghiệt nhất. Có lẽ sự cao thượng đầy tình người ấm áp mà Diệu Linh đối với Điệp Y đã khiến anh là nhân vật khóc thương nhiều nhất khi cô tự vẫn. Cả hai đều chịu số phận bất hạnh, sự đồng điệu ở họ đến từ việc trao gửi tình yêu dành cho một kẻ không xứng đáng, một tên đại trượng phu khoa trương, giả tạo. Thậm chí khi chịu sự uy hiếp từ cuộc biểu tình, gã Bá Vương này cầu xin được sống bằng cách lật mặt tráo trở, công kích hai vị hồng nhan tri kỷ của mình. Tây Sở Bá Vương mà lại trở nên đốn mạt như vậy, tuồng cổ Bắc Kinh đã đến hồi cáo chung thật rồi.
Trương Quốc Vinh năm đó đã đánh bại diễn viên Tôn Long để có cơ hội được hóa thân vào vai nghệ sĩ Kinh kịch Trình Điệp Y. Sự cố gắng khổ luyện từ việc học nói tiếng Phổ Thông, tập hát tuồng và tìm hiểu, nghiên cứu sâu vào nội tâm nhân vật đã đem đến cho anh màn trình diễn quỷ khóc thần sầu trong Bá Vương Biệt Cơ. Không chỉ vang danh ở Châu Á, thậm chí ở các nước phương Tây, bộ phim vẫn luôn có một vị thế của riêng nó và thường xuyên góp mặt trong các bảng xếp hạng những phim hay nhất mọi thời đại. Trên màn ảnh, Trương Quốc Vinh chính là Trình Điệp Y thật sự, xứng đáng được xem là đỉnh cao của kỹ thuật Method Acting.
“Tuổi 16 ta đã vào tu viện
Mái tóc xanh đã cắt ngắn từ thuở nào
Bình sinh ta vốn là nam nhân, chớ chẳng phải là nữ nhân”
Sau 11 năm không gặp nhau, Trình Điệp Y và Đoàn Tiểu Lâu tái hợp trong dịp kỷ niệm 200 năm nghệ thuật Kinh kịch. Câu hát oan nghiệp năm nào giờ đây lại được Điệp Y hát vang, Tiểu Lâu tiếp tục bắt lỗi rằng anh đã hát sai. Nhưng lần này có thật là Điệp Y hát sai không? Trong khoảnh khắc ấy, Trình Điệp Y đã tỉnh mộng, một đời người với một giấc mơ mà tại đấy, tất cả đều chất chứa sự vô nghĩa đầy chua chát. Điệp Y nhận ra giờ đây cuộc đời và sân khấu là hai khái niệm hoàn toàn tách biệt nhau. Như một sự tri ân cho kiếp người này, anh kết thúc tất cả bằng việc tự sát, hệt như cái cách mà năm xưa Ngu Cơ múa kiếm từ biệt Hạng Vũ sau đêm Tứ Diện Sở Ca.
Tiếng gọi thất thanh của Tiểu Lâu khi thấy Điệp Y ngã xuống cũng chỉ là đến từ sự hoảng loạn nhất thời. Ngay sau đó, Đoàn Tiểu Lâu cũng ngộ ra, giờ đây Trình Điệp Y đã được làm chủ số phận của mình. Ấy thế nên câu nói “tiểu Đức Chí” như đại diện cho sự nhẹ nhõm và an lòng của Tiểu Lâu. Bởi trước thời khắc cuối cùng, Điệp Y ra đi với tất cả phiền muộn đã được thông suốt và trút bỏ hết hoàn toàn.