Logo Galaxy Header flex-none

Tải ứng dụng galaxy Cinema

Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh

Trang chủ / Blog điện ảnh / Phía Sau Màn Ảnh: Làm Thế Nào Để Một Bộ Phim Được Chiếu Tại Rạp?

Phía Sau Màn Ảnh: Làm Thế Nào Để Một Bộ Phim Được Chiếu Tại Rạp?

*Kỳ trước: Phía Sau Màn Ảnh: Khi Bạn Mua Một Chiếc Vé Xem Phim, Số Tiền Đó Sẽ Đi Về Đâu?

Làm thế nào để một bộ phim được chiếu tại rạp? Đơn giản chỉ vì nó sẽ kiếm được tiền hay còn do nhiều yếu tố khác?

Không phải bộ phim nào ra đời cũng nghiễm nhiên sẽ được xuất hiện ở rạp chiếu phim. Có những tác phẩm có thể không đạt chất lượng cao nhưng với sự bảo lãnh của những hãng làm phim danh tiếng như Sony, Universal, Disney, Warner Bros. thì cơ hội ra rạp vẫn rất lớn. Trong khi đó con đường đến với rạp chiếu phim của dòng phim độc lập lại khá gian nan. 

Vậy rốt cuộc có những yếu tố nào quyết định đến việc một bộ phim có được chiếu tại rạp? Liệu doanh thu có phải là lý do duy nhất?

Thông thường, chặng đường ra rạp của một bộ phim sẽ bắt đầu với việc: Nhà sản xuất đi chào hàng “đứa con” của mình với các nhà phát hành. Kế tiếp, sau khi tác phẩm được hoàn thành, các quản lý rạp sẽ có một buổi xem phim “bí mật” để từ đó đưa ra quyết định có mua (thuê) phim hay không và sắp xếp lịch chiếu như thế nào cho phù hợp. Tất nhiên trong trường hợp này, doanh thu, thị hiếu của khán giả sẽ là cơ sở hàng đầu để các chủ rạp căn cứ vào đưa ra quyết định.

Trường hợp thứ hai, với những công ty đồng thời sở hữu bộ phận sản xuất và phát hành thì chắc chắn, những bộ phim của họ có cơ hội ra rạp rất cao vì được sự hỗ trợ lớn về quảng cáo và tiếp thị. Có thể lấy ví dụ điển hình như Walt Disney. Tập đoàn truyền thông nổi tiếng này không chỉ có Walt Disney Animation Studios (chuyên sản xuất các sản phẩm phim hoạt hình, phim ngắn và chương trình truyền hình), Pixar Animation Studios, Marvel Studios, Lucasfilm, 20th Century Fox mà còn có Walt Disney Studios Motion Pictures – Nhà phân phối phim điện ảnh của các bộ phim Disney ở Mỹ và nước ngoài.

Một trường hợp nữa đó là các nhà sản xuất sẽ đưa “đứa con” của mình đến quảng bá tại các hội chợ hoặc tham gia những cuộc liên hoan phim trên toàn thế giới. Tại đây, nếu như các bộ phim đạt được một thành tích nhất định nào đó thì nó sẽ tìm thấy cơ hội ra rạp nhiều hơn với mức giá không hề tệ một chút nào. Đây chính là thủ thuật mà các nhà làm phim độc lập thường áp dụng. Bên cạnh đó, các hãng phim lớn cũng vận dụng cách thức này khi họ muốn ra mắt một dự án điện ảnh đậm tính nghệ thuật kén người xem.  

Có thể lấy ví dụ về trường hợp của The Shape of Water (Người Đẹp Và Thủy Quái). Vào đầu năm 2018, sau khi xuất sắc giành được cúp Sư Tử Vàng tại Liên hoan phim Venice lần thứ 74, đồng thời lọt vào danh sách đề cử và được đánh giá là ứng cử viên nặng ký nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 90, The Shape of Water đã thành công thu hút được sự chú ý cũng như kéo khán giả Việt đến rạp thưởng thức. 

Một cái tên khác – Parasite – dù không thuộc Big 6 nhưng với giải thưởng danh giá Cành Cọ Vàng, phim đã đạt thành công về doanh thu tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Ở Việt Nam – một thị trường cực kén đối với dòng phim nghệ thuật, Ký Sinh Trùng đã xác lập kỷ lục là Phim Hàn Có Doanh Thu Cao Nhất mọi thời đại. Chưa dừng lại ở đấy, sau khi tỏa sáng rực rỡ tại lễ trao giải Oscar 2020 vào ngày 9.2, đến hết ngày 10.2, doanh thu của Parasite tại các phòng vé Mỹ đã tăng 24% - tương đương với hơn nửa triệu USD…

Vậy có phải tất cả những phim mà các rạp mua về đều chắc chắn sẽ sinh lời? 

Câu trả lời là không – và chính các quản lý rạp cũng biết rõ điều này. Vậy thì tại sao? Vì khá nhiều nguyên nhân, có thể kể đến như do thỏa thuận giữa các bên, có lợi cho hình ảnh thương hiệu, tùy vào tình hình thực tế của thị trường phim,… Hoặc với một số tác phẩm dù chỉ có một nhóm khán giả đặc thù (ví dụ như phim độc lập, phim tài liệu về các nhóm nhạc) nhưng nếu có một rạp ở trong cùng khu vực mua về chiếu, thì các rạp khác cũng sẽ cân nhắc việc lấy phim để tránh tình trạng khán giả chỉ tập trung xem ở một chỗ, từ đó có thể dẫn đến nguy cơ đánh mất nhóm khách hàng tiềm năng.  

Sau khi đã được ra rạp, một vấn đề nữa mà các bên quan tâm chính là số lượng suất chiếu, giờ chiếu của phim. Cũng như việc mua phim, việc sắp xếp lịch chiếu sẽ căn cứ vào nhu cầu của khán giả ở từng khu vực, độ hot, thời lượng, chất lượng, lượng đặt vé trước… của chính mỗi phim để quyết định. 

Thông thường, những bộ phim kéo dài từ hai tiếng trở lên sẽ có ít suất chiếu hơn những phim có thời lượng là 90 phút, 110 phút… Nguyên nhân ư? Hãy thử tưởng tượng mà xem, trong một suất chiếu của một bộ phim dài 150 -180 phút, các rạp đã có thể sắp xếp được hai suất phim có thời lượng ngắn hơn, từ đó thu hút được nhiều khán giả – đồng nghĩa với việc kiếm được nhiều doanh thu hơn. 

Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ. 

Điển hình như với những cái tên chắc chắn thu được bội tiền như Avengers: Endgame thì dễ hiểu các rạp sẽ cực kỳ ưu tiên nó (thậm chí là tăng thêm suất chiếu sau 22h), bất chấp thời lượng phim kéo dài đến tận 3 tiếng đồng hồ. 

Một ví dụ khác để thấy được việc sắp xếp lịch chiếu thay đổi tùy thuộc vào nhu cầu của khán giả đó là thị trường phim Tết ở nước ta vừa qua. Theo dõi tin tức có thể thấy trong thời gian đầu, 30 Chưa Phải Tết chiếm ưu thế áp đảo bởi vào mùa Tết, khán giả Việt vẫn có thói quen xem phim hài, nhất là khi dự án còn có sự tham gia của những diễn viên bảo chứng phòng vé như Trường Giang (Siêu Sao Siêu Ngố), Mạc Văn Khoa (Cua Lại Vợ Bầu). Thế nhưng khoảng vài ngày sau, các quản lý rạp chuyển sang đẩy mạnh suất chiếu cho Gái Già Lắm Chiêu 3 vì phản ứng người xem đã có sự thay đổi. 

Đặc biệt ở thị trường rạp chiếu phim Việt Nam, khán giả nước ta có thị hiếu xem phim khác hẳn với quốc tế. Gần đây nhất, trường hợp của bộ phim Brahms: The Boy II (tựa Việt: Cậu Bé Ma 2) đã phản ánh rất rõ nét đặc trưng này. Dù phim không được đánh giá cao bởi giới chuyên môn (10% cà chua thối trên trang Rotten Tomatoes) cũng như có doanh thu không mấy ấn tượng tại phòng vé quốc nội (6.65 triệu USD), thế nhưng ở nước ta, Cậu Bé Ma 2 vẫn xếp đầu doanh thu phòng vé sau một tuần công chiếu. Từ điều này có thể rút ra rằng, đôi khi không phải cứ phim hay thì nhất định sẽ được xếp nhiều suất chiếu và ngược lại.

Nhìn chung có rất nhiều yếu tố tác động đến sự xuất hiện của một bộ phim tại phòng vé cũng như thời gian tồn tại, số suất chiếu của nó. Tất nhiên trong đó – doanh thu luôn là yếu tố mà các quản lý rạp đặt lên hàng đầu. Và doanh thu đến từ đâu – rõ ràng là từ khán giả!

*Kỳ tiếp: Phía Sau Màn Ảnh: Nếu Làm Ở Rạp, Bạn Có Được Xem Phim Trước?