Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh
Điện ảnh đối với nhiều người không chỉ đơn thuần là công cụ giải trí, mà còn là người bạn, là một tri âm tri kỷ có vai trò đặc biệt.
Khi vui sẽ có người nghiền ngẫm các thước phim nặng nề học thuật và đậm chất hàn lâm. Lúc buồn thì những tựa phim hài hoặc các phim ‘lấy nước mắt” chính là lựa chọn hàng đầu.
Người người xem phim, nhà nhà xem phim…, dẫn đến nhu cầu bày tỏ cảm xúc và quan điểm cá nhân sau khi thưởng thức xong một tác phẩm là hành động chính đáng. Cụm từ “REVIEW PHIM” cũng vì thế mà phát triển suốt những năm gần đây. Nhan nhản trào lưu viết review phim cũng trở thành xu hướng thời thượng.
Một cuốn phim vừa ra rạp hoặc khởi chiếu trên các nền tảng trực tuyến, trong vòng chưa đầy 24 giờ đã lập tức có ngay những bài viết ngắn – dài khác nhau liên quan.
Khái niệm “review phim” vốn có sự khác biệt với “tóm tắt nội dung phim”. Việc review cơ bản là một sự giới thiệu và đưa ra các thông tin cũng như nhận định ngắn gọn về tác phẩm nào đấy. Dựa vào kiến thức chuyên môn của người viết mà phần review có thể được trình bày theo dạng bài khái quát chung cho đến dạng bài nặng tính học thuật với nhiều từ ngữ - văn phong thuộc chuyên ngành điện ảnh.
Review là cách để giới thiệu và quảng bá một bộ phim hay đến với công chúng. Một bài review phim không có nhiệm vụ kể lại toàn bộ chi tiết, mà chỉ điểm sơ lại những cột mốc đáng nhớ nhất. Thêm vào đó là cảm xúc của người xem, cùng với những thông tin bên lề thú vị. Việc này giúp cho người đọc review sẽ dễ dàng đưa ra quyết định có nên xem phim hay không, quan trọng nhất là phần kết thúc vẫn được giữ kín, đảm bảo kịch tính trọn vẹn khi xem.
Tóm tắt nội dung phim hiểu đơn giản nhất là thuật lại toàn bộ diễn biến xảy ra trong phim. Hành động này đôi khi vô tình phá đi cái hay ở những điểm mấu chốt mà nhà làm phim đưa vào. Bởi lẽ có những chi tiết chỉ thể cảm nhận được cái hay khi trực tiếp trải nghiệm, nếu thông qua lời kể, hiệu ứng sẽ giảm đi.
Chính vì đôi khi có sự nhầm lẫn giữa việc “review phim” và “tóm tắt phim”, đã dẫn đến đánh giá sai lệch của một bộ phận người xem. Có những người chưa chính thức thật sự xem một cuốn phim nào đấy, nhưng thông qua những bài review kém chất lượng hoặc một bài tóm tắt phim, thế là họ tự tin rằng bản thân đã hiểu và nắm được hoàn toàn câu chuyện cũng như thông điệp mà đạo diễn gửi gắm.
Xem phim rồi viết một bài cảm nhận thật sâu sắc, đưa vào quan điểm cá nhân theo tính khách quan hoặc chủ quan và nhận về nhiều lời tán dương. Dần dần tạo dựng được độ uy tín và phủ sóng lớn trong cộng đồng mê phim. Đây là một trong những hướng đi dễ thấy nhất ở người viết review phim. Bên cạnh những bài bình phim công tâm, vẫn còn tồn tại các bài viết tưởng chừng được viết bằng tất cả tâm huyết, nhưng thật sự lại chỉ mang tính chất sáo rỗng và được cho ra đời với ‘mục đích” nào đấy.
Cộng đồng yêu phim không tránh khỏi việc có sự tồn tại của những cá nhân quá khích. Là người hâm mộ của một tên tuổi diễn viên hoặc đạo diễn nào đấy. Chỉ cần trong các buổi thảo luận có bất kỳ ai nêu ý kiến có phần gay gắt. Lập tức sẽ dẫn đến một cuộc đại tranh cãi, mỗi bên đều đưa ra luận điểm bảo vệ quan điểm cá nhân. Tuy rằng việc công kích không phải là điều hay ho, nhưng thỉnh thoảng từ những buổi tiệc “nảy lửa” này, rất nhiều kiến thức mới được “phô bày” ra, đây cũng có thể xem là việc làm góp phần nâng cao thêm hiểu biết cho những “mọt phim” thực thụ.
Bên cạnh những người chỉ viết review đơn thuần theo sở thích. Có những cá nhân lại thích dùng bài viết để “định hướng” đám đông, lôi kéo những người “tay mơ” trở thành fan của mình. Đấy là những bài viết ngập tràn từ ngữ chuyên môn, văn phong “đao to búa lớn”, luôn cố tình chứng tỏ hoặc thể hiện trình độ hiểu biết của người viết. Thậm chí là sự trục lợi kinh doanh bằng điện ảnh. Chỉ dựa vào những bài phân tích từ nước ngoài, sẽ có người tổng hợp lại để rồi ngang nhiên “truyền bá” cho tất cả, dĩ nhiên việc chia sẻ này bao gồm phải mất phí.
Bằng nhiều danh xưng mỹ miều, lợi dụng các mối quan hệ sẵn có, các KOLs review phim có thể giảng dạy các kiến thức về điện ảnh. Đôi khi là các buổi workshop về khía cạnh cảm thụ cá nhân – vốn là thứ không hề phù hợp cho việc “đào tạo”.
Có thể chia ra những người dùng tầm ảnh hưởng và danh tiếng của mình để tạo lực “tác động” lên bộ phim thành hai nhánh cơ bản.
Nhóm chuyên lên những bài phân tích – bình luận chuyên sâu về một bộ phim chiếu rạp nào đấy. Hầu hết từ ngữ trong bài sẽ có hơi hướng trừu tượng, chiêm nghiệm về các lý thuyết điện ảnh, các trào lưu hoặc nặng thuật ngữ chuyên ngành. Một sự “đánh phủ đầu” khiến cho những người ngoài ngành dễ bị rối và nhầm tưởng rằng họ đang tiếp cận một bài viết chất lượng thực thụ.
Nhóm còn lại thì dùng mật độ phổ biến rộng rãi thông qua những bài tương tác ngắn, văn phong gần gũi. Có thể là một bài “chửi phim” với từ ngữ bình dân, thô tục nhưng dễ trở thành “hiện tượng”. Hoặc là việc đưa ra lời chê bai thậm tệ đối với một cuốn phim hay nhằm hạ bệ, nâng cao phim của một bên nào đấy. Bài viết thường sẽ thuyết phục người đọc bằng những luận điểm mang hơi hướng “chê những gì cần chê”, nhưng thực chất là sự “bới móc” hoặc đòi hỏi vô lý khi đưa ra luận điểm công kích phim.
Trong thời điểm mà chỉ bằng vài cú nhấp chuột, rất nhiều thông tin về một bộ phim có sẵn trên mạng sẽ dễ làm người đọc bị loạn. Việc mà các tín đồ điện ảnh cần làm có lẽ là lựa chọn chính xác dựa trên kinh nghiệm và cảm quan cá nhân, chọn lọc những nguồn thông tin chuẩn mực nhất để có cái nhìn đúng đắn hơn về các tác phẩm.