Logo Galaxy Header flex-none

Tải ứng dụng galaxy Cinema

Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh

Trang chủ / Blog điện ảnh / Ký Sự Điện Ảnh - Kỳ 9: Kịch Bản, Kịch Bản, Kịch Bản

Ký Sự Điện Ảnh - Kỳ 9: Kịch Bản, Kịch Bản, Kịch Bản

Để đánh giá nền điện ảnh của một quốc gia, rất nhiều tiêu chí cần xem xét. Đấy có thể là mức độ ảnh hưởng trong khu vực, thành tích tại các giải thưởng quốc tế, độ nhận diện mang tính văn hóa truyền thống đặc trưng trong các bộ phim, thế mạnh và điểm yếu của các vai trò (đạo diễn, diễn viên, biên kịch, quay phim…)

Tại Việt Nam, trong bối cảnh 20 năm trở lại đây thì ngành công nghiệp phim ảnh có sự biến chuyển rõ rệt theo hướng tích cực. Nói về hệ thống rạp chiếu phim, sự đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước liên tục rót vốn để nâng cấp, sửa chữa phòng chiếu. Áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến, phân loại khán phòng tại các cụm rạp từ hạng sang đến siêu sang đều đã xuất hiện.

Mặt khác, chất lượng phim Việt là chủ đề muôn thuở luôn tạo nên nhiều cuộc tranh luận. Cần phải thừa nhận rằng hơn 10 năm về trước, điện ảnh nước nhà thường xuyên nhận được những cái lắc đầu chê bai, nhiều lời phê bình thậm tệ. So với một vài điểm sáng hiếm hoi khi phim Việt được vinh danh trong giải thường nào đấy mang tầm vóc Châu lục, phần còn lại hứng chịu “gạch đá” chính là ngành công nghiệp phim “mì ăn liền”.

“Hài nhảm”, “kịch bản tào lao”, “diễn dở’…, là những cụm từ gắn liền với phim trong nước. Không phải tự nhiên mà khán giả lại ác cảm theo cách vô lý đến như thế. Đơn giản là vì họ đã từng hy vọng quá nhiều, để rồi thất vọng tràn trề. Từ những tên tuổi tưởng hàng đầu trong làng giải trí, cho đến các đoạn trailer đầy hấp dẫn, thứ cuối cùng đọng lại chỉ là sự hụt hẫng, đôi ba tiếng chửi thề sau khi phim kết thúc. Lòng tin vào phim Việt đã chết!

Alfred Hitchcock từng nói yếu tố quan trọng nhất để cho ra đời một cuốn phim hay chính là: KỊCH BẢN, KỊCH BẢN VÀ KỊCH BẢN.

Phim Việt nghèo kịch bản, đề tài quá lỗi thời hoặc không thực tế. Kịch bản nếu không chuyển thể thì vẫn chỉ đi cóp nhặt từ nhiều nơi. Rõ ràng vấn đề ở khía cạnh kịch bản là điều tồn đọng từ rất lâu. Việt Nam có rất ít kịch bản gốc chất lượng thật sự. Ý tưởng là thứ vô hạn, các biên kịch nước nhà cũng không phải ngoại lệ. Họ đầy ắm ý tưởng, nhưng cớ sao lại vẫn cứ không thể cho ra đời một tác phẩm mang tính đột phá.

Phần bề nổi khi mổ xẻ ra thường sẽ liên quan đến “kinh tế”. Ngành biên kịch ở Việt Nam vẫn chưa được nhìn nhận đúng giá trị của nó. Thù lao mức thấp, không có tiếng nói, bị chèn ép từ phía đạo diễn – nhà sản xuất. Thậm chí còn bị bắt buộc phải cho ra đời những câu chuyện dở hơi, chỉ vì có người sẽ bảo rằng “cái đấy nhiều người thích” hoặc “cái đấy dễ quay hơn”. Cũng cần nhìn nhận rằng điều kiện hạn chế đôi khi khiến việc sáng tạo của những người viết kịch bản gặp trở ngại. Có thể họ phác thảo được một thứ gì đó lớn lao, nhưng rồi phải hoãn lại bởi trở ngại ở khâu kiểm duyệt hoặc kinh phí vượt quá khả năng của phía sản xuất.

Ngoài ra, đôi khi chính sự thiếu chuyên môn của biên kịch cũng là rào cản cho việc đi lên của điện ảnh. Thiếu sự trau dồi kiến thức, không đầu tư cho chất xám hoặc chỉ vay mượn ý tưởng, đến khi đạt được chút thành tựu lại tự mãn và thản nhiên nghĩ rằng đang đi đúng hướng. Tư duy đi vào lối mòn nhưng lại nhận nhiều lời tán thưởng đậm mùi “xã giao”, được tung hô bởi những giá trị ảo. Chân dung của họ chính là cho ra đời nhiều kịch bản có sự chênh lệch bất hợp lý về chất lượng. Là thảm họa với ý tưởng gốc, nhưng lại thành công nhờ vào sự “có sẵn” từ trước.

Rất may là trong vài năm gần đây, sự phát triển của ngành công nghệ thông tin giúp con người dễ dàng tiếp cận đến nhiều nguồn giải trí đa dạng hơn. Các dịch vụ xem phim trực tuyến có bản quyền cùng việc nhập khẩu liên tục những tác phẩm mới nhất tại rạp chiếu, đã giúp người xem có dịp nâng cấp hiểu biết. Khi gu thưởng thức điện ảnh thay đổi, sẽ dẫn đến suy nghĩ khắt khe và yêu cầu cao hơn xứng với giá trị của tấm vé xem phim.

Đây chính là động lực thúc đẩy các nhà làm phim bắt buộc phải chạy đua với thời gian, với những gì đang diễn ra trên thế giới. Ý tưởng nào đó có thể ở tuần trước dự kiến sẽ đem đến nhiều tiềm năng bất ngờ, sang đến vài ngày sau đã thấy nó trở nên lạc hậu. Phim kém, phim dở giờ đây đón nhận làn sóng tẩy chay mạnh hơn ngày trước. Ngoài những bài báo đến từ các cây bút bình phim, sự ra đời của cộng đồng cư dân mạng với hàng loạt hội nhóm liên quan đến điện ảnh cũng góp phần mạnh tay giáng “cú tát” không thương tiếc vào các tác phẩm “thảm họa”. Sự chỉ trích có phần tiêu cực thái quá đôi lúc không phải là điều tốt, nhưng là thứ cần thiết để đánh thức và đưa một vài người nào đó “trở về mặt đất” để tránh cái tôi cao ngạo.

Rõ ràng phim chuyển thể từ tác phẩm văn học đã đạt được thành công nhất định, vẫn là mảnh đất màu mỡ để các đạo diễn khai thác. Ý tưởng gốc độc đáo, mang cá tính riêng và đậm chất “thuần Việt” đã có sự khởi sắc. Niềm tin vào một cuốn phim điện ảnh mang bản sắc Việt vươn tầm thế giới không còn là mơ ước hão huyền. Việc còn lại là nhờ vào phần cộng hưởng của đạo diễn – diễn viên để tạo được quả ngọt thăng hoa.