Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh
Kỷ nguyên phim câm bắt đầu từ việc hình thành bản chất thuần túy của điện ảnh: phim truyện – phim gồm những hình ảnh được ghi hình, kể lại câu chuyện theo diễn biến liên tục, có diễn viên và bối cảnh minh họa, nội dung đầy đủ nút thắt tình huống và giải quyết tất cả vấn đề ở cuối phim. Kịch bản ba hồi từ đây được xem là thước đo chuẩn của phim điện ảnh.
Vì không thể thu tiếng đồng bộ trong lúc quay, nên âm thanh trong các cuốn phim chủ yếu đến từ việc trình diễn trực tiếp ngay trong phòng chiếu. Có thể là vài nhạc công hoặc là tập hợp của một dàn nhạc, đảm nhận vai trò cung cấp âm thanh – tiếng động. Để diễn đạt thoại hoặc lời dẫn chuyện, những tấm thẻ phụ đề được sử dụng chèn vào khung hình. Phim câm là cột mốc đáng nhớ trong lịch sử điện ảnh, là bàn đạp cho sự phát triển của phim có tiếng nói sau này.
Từ thành công của The Birth Of A Nation, Mỹ chính thức trở thành một thế lực lớn trong ngành công nghiệp phim ảnh. Pháp, cái nôi của điện ảnh giờ đây tụt hậu lại bởi tư duy cũ kỹ của các nhà làm phim. Tuy nhiên lối mòn đã được khai sáng, sự thay đổi đến từ sau Thế Chiến Thứ Nhất.
Giai đoạn từ 1918 đến 1930, với tinh thần “Điện ảnh Pháp mới là điện ảnh thực thụ”, sự ra đời của Chủ Nghĩa Ấn Tượng Pháp đã thổi làn gió đặc sắc vào môn nghệ thuật thứ 7.
Dựa trên nguồn cảm hứng từ hội họa trường phái ấn tượng, Chủ Nghĩa Ấn Tượng đề cao cái tôi của người nghệ sĩ. Thay vì tập trung vào nội dung truyền tải, các tác phẩm thuộc trường phái Ấn Tượng sẽ mang nặng tính cảm xúc, kích thích các giác quan của người xem để tìm đường đi vào nội tâm nhân vật. Người nghệ sĩ thông qua phim của mình, có cơ hội bày tỏ tâm tư tình cảm, suy nghĩ thầm kín, biến “chất riêng” thành trọng tâm.
Ngoài việc kể câu chuyện theo hướng mới, kỹ thuật quay phim cũng được quan tâm trong thời kỳ này. Khi thực hiện Napoleon (1927), đạo diễn Abel Gance đã dùng một số thủ thuật “cây nhà lá vườn” để hỗ trợ cho việc quay phim. Từ chỗ đặt ống kính lên lưng ngựa, dùng chân đế, cho đến cố định camera lên giày patin. Phim có độ dài hơn 5 giờ đồng hồ, là thiên sử thi miêu tả hành trình của vị hoàng đế vĩ đại nhất nước Pháp. Napoleon cũng là tác phẩm đầu tiên đưa ra khái niệm “Màn ảnh rộng” – Widescreen đến công chúng.
Đến với phim theo Chủ Nghĩa Ấn Tượng, khán giả không chỉ đơn giản là xem những gì đang diễn ra, họ phải dùng tư duy chủ quan của chính mình để cảm thụ. Bởi vì yêu cầu sự tập trung cao độ và đánh mạnh vào tâm lý, nên Chủ Nghĩa Ấn Tượng thích hợp cho tầng lớp thượng lưu – tri thức. Sự “khó xem” của dòng phim đã không hợp thị hiếu số đông, nên dần dần trở nên thoái trào.
Các phim tiêu biểu gồm có: The Smiling Madame Beudet (1922), The Faithful Heart (1923), La Roue (1923)…
(Napoleon 1927)
Song song với Chủ Nghĩa Ấn Tượng, thể loại phim theo Chủ Nghĩa Siêu Thực cũng xuất hiện và tạo được tiếng vang.
Phim siêu thực dường như phá bỏ hoàn toàn những nguyên lý khoa học nhất, khắc họa suy nghĩ tồn tại dưới dạng tiềm thức và vô thức. Cốt truyện của phim siêu thực vốn là những mảnh ghép rời rạc, những hình ảnh dị dạng phi lý, xuất hiện mờ ảo như các giấc mơ. Tâm lý nhân vật giờ không còn là suy nghĩ của chính họ, cũng không phải là suy nghĩ trong giấc mơ, mà là thế giới ảo mộng được tạo ra không theo tự chủ. Nó đứng giữa lằn ranh của phim ảnh và thực tại, giữa thật và giả, thế giới quan xung quanh trở thành một nơi chốn mới, một vùng đất hoặc hành tinh chưa từng tồn tại. Tuy nhiên tất cả đều mang cảm giác “rất thật”, không hề có sơ hở nào để thoát ra. Điều này dẫn đến những hình ảnh gây chấn động, tâm lý hoang mang không thể nắm bắt, biến điện ảnh vượt xa bất cứ mọi quy chuẩn từng được đặt ra. Điện ảnh trở thành thứ nghệ thuật đậm cá tính, để các nhà làm phim chơi đùa với thị giác và cảm xúc của mọi người.
Nhà điện ảnh André Breton được xem là khai sáng ra điện ảnh siêu thực. Sau chuỗi ngày dài xem nhiều tác phẩm khác nhau tại rạp chiếu phim, ký ức của ông đã ghi dấu nhiều cảnh quay chồng chéo giữa các phim lên nhau. Sự mất trật tự trong phạm trù hình ảnh giúp ông liên kết chúng lại theo cách riêng, hình thành một góc nhìn mới. Ông cho rằng phim ảnh sẽ đưa con người rời xa “thực tại”, tiến vào vùng ý thức vốn bị che khuất và dồn nén sâu thẳm trong tâm lý. Chủ Nghĩa Siêu Thực phác họa, vẽ nên khung cảnh của những suy nghĩ ấy theo những hình dạng mà trí tưởng tượng tạo nên.
“Tôi cho rằng chúng tôi quan tâm đến phim ảnh nhất, tới mức không đoái hoài đến điều gì khác, là bởi khả năng đánh lạc hướng của nó.” – André Breton.
Sức ảnh hưởng của dòng phim siêu thực đã để lại ảnh hưởng đến thể loại phim kinh dị - ly kỳ và một số phim mang đề tài giả tưởng hậu tận thế.
Các phim tiêu biểu gồm có: Fantomas (1920), Nosferatu (1922), Cabinet of Dr. Caligari (1920)…
Nếu nước Pháp để lại cho thế giới những trào lưu điện ảnh độc đáo thông qua các bộ phim hay đầy chất thơ, thì người bạn láng giềng nằm ở phía Đông lại đem đến cảm giác hoảng loạn đến đáng sợ, gây ám ảnh thị giác cực độ cho khán giả. Thập niên 20, Đức chiêu đãi tín đồ mê phim bằng thứ nghệ thuật độc nhất vô nhị mà họ tự hào nhất: Điện Ảnh Theo Chủ Nghĩa Biểu Hiện.