Logo Galaxy Header flex-none

Tải ứng dụng galaxy Cinema

Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh

Trang chủ / Blog điện ảnh / Ký Sự Điện Ảnh - Kỳ 16: Thách Thức Đạo Đức Và Ranh Giới Của Nghệ Thuật

Ký Sự Điện Ảnh - Kỳ 16: Thách Thức Đạo Đức Và Ranh Giới Của Nghệ Thuật

Mỗi nền điện ảnh sẽ có hệ thống kiểm duyệt đánh giá dựa trên các tiêu chí khác nhau. Quan điểm về việc nhận định một bộ phim ngoài việc thẩm định chất lượng, thông điệp của phim, còn kết hợp đồng thời với các yếu tố liên quan đến văn hóa truyền thống của tổ chức hoặc quốc gia.

Dẫu mọi thứ đều có quy định rõ ràng với các văn bản hoặc điều luật đã được thông qua sau nhiều cuộc thảo luận. Nhưng việc phát sinh tranh cãi khi nói đến vấn đề kiểm duyệt là chuyện không thể tránh khỏi.

Một bộ phim bị hạn chế, bắt phải chỉnh sửa nhiều lần hoặc nặng hơn là bị cấm phát hành hoặc phải hủy toàn bộ bản phim đã quá quen thuộc với người mê phim.

Cụ thể ở trường hợp nhẹ, nhiều bộ phim bị yêu cầu chỉnh sửa vì xuất hiện vài chi tiết nhạy cảm bởi vì “không phù hợp” với quy định. Lại có trường hợp nặng hơn, bị cấm cũng bởi vì nội dung “không phù hợp”.

“Không phù hợp” ở đây lại mang nghĩa khá rộng, bởi vì tính tương đối dựa trên điều kiện, nguyên tắc của từng khu vực, châu lục khác nhau. Có thể tại địa phương này thì những gì xảy ra trong phim là điều hết sức bình thường, chấp nhận được. Còn tại địa phương khác thì lại bị lên án gay gắt, thậm chí là tẩy chay.

Hãy tạm bỏ qua vấn đề về “luật chơi”, sự ràng buộc ẩn mình của khía cạnh chính trị. Vậy điều còn đọng lại duy nhất chính là sàn diễn của PHIM – tác phẩm điện ảnh thuần chất.

Điện ảnh từ những ngày đầu khi chỉ mới là các xuất phẩm phim câm đã kịp ghi dấu ấn với nhiều tuyệt tác. Hạn chế về mặt âm thanh ngày ấy, đã thúc đẩy các nhà làm phim phải vắt óc sáng tạo với những hiệu ứng kích thích tối đa mặt thị giác. Cũng từ đây mà việc áp dụng các kỹ thuật quay, góc máy mới, đa dạng về ống kính, “thủ thuật” đánh lừa con mắt khán giả cũng được tận dụng tối đa. Thế là điện ảnh được hiểu với từng khung hình hiện lên mang theo tâm sự, dù không cần bất kỳ lời giải thích nào, người xem cũng có thể hiểu được đúng với ý đồ đạo diễn. Kể chuyện bằng hình ảnh với nội dung dựa trên bối cảnh và diễn xuất hình thể, kỹ thuật dựng phim, đi kèm bảng phụ đề chính là định nghĩa nguyên thủy của điện ảnh.

Đến khi phim có “tiếng” xuất hiện, điện ảnh có cơ hội phát huy tối đa khả năng bản chất của nó. Từ việc kịch bản chứa đựng những câu thoại ẩn ý đáng nhớ, cho đến sự phát triển của kỹ xảo vi tính, nhiều thể loại mới cũng được hình thành. Khi đã được “trang bị” đầy đủ về mọi mặt, hiển nhiên đến lượt chất xám của con người vào cuộc. Điện ảnh giờ đây không còn những đề tài đơn giản, câu chuyện dễ đoán và gần gũi. Nhà làm phim phải luôn tìm tòi cái mới để phục vụ đám đông – người mê phim và giới chuyên môn.

Khi biết những chủ đề bình thường đã nhàm chán, đạo diễn – biên kịch lại hợp tác để biến các ý tưởng độc đáo hơn trở thành phim. Ý tưởng là báu vật quý nhất của điện ảnh, dù có thể chưa đáp ứng đủ điều kiện thực hiện, nhưng chỉ cần không bỏ cuộc, một ý tưởng trọn vẹn được ấp ủ nhiều năm vẫn sẽ có ngày trở thành “hiện tượng” trong giới điện ảnh thông qua các thước phim mới.

Cũng vì vậy, lúc này sẽ xuất hiện các nhà làm phim với tư duy táo bạo, cá tính đi cùng cái tôi ngông cuồng. Sở dĩ nói như thế là vì đây là nhóm những kẻ mộ đạo của điện ảnh. Đối với họ điện ảnh là thứ tôn giáo vĩnh hằng, mỗi đạo diễn là một tín đồ đam mê khám phá từng ngóc ngách về đứa “con út” của các bộ môn nghệ thuật.

Họ chấp nhận sản xuất những tựa phim thách thức người xem về mặt đạo lý luân thường. Khắc họa những sự thật trần trụi nhất. Có nhiều cảnh gây sốc, sự cuồng loạn và sự báng bổ cũng được mạnh dạn thể hiện. Có đôi khi điều mà mọi người nhìn thấy trên màn ảnh tại rạp chiếu phim có vẻ xa rời thực tế, phi lý và đen tối đến cùng cực, khiến cho đám đông phân chia thành nhiều luồng ý kiến trái chiều. Có người hiểu, có người lại không hiểu. Có nơi thấy nó quá đỗi “phù hợp”, có chỗ lại thấy phim quá mức “thảm họa”.

Đây là những phim không cố gắng thuyết phục người xem hiểu chúng. Đôi khi chẳng có lời giải đáp nào cả, nhà làm phim thích ngắm nhìn tác phẩm của mình được đem ra bàn tác, tranh luận không hồi kết. Cố gắng giải mã ẩn ý càng là chuyện phức tạp, bởi vì đôi khi phim được làm ra với các tình tiết như thế là bởi vì đạo diễn thích vậy thôi, chẳng có lý do cụ thể nào cả. Có những phim được làm ra chỉ để thỏa mãn sở thích và bày tỏ lòng tri ân với điện ảnh, chẳng quan tâm khen chê hay phản ứng từ đám đông, cũng chẳng màng doanh thu hoặc việc bị công kích. Điện ảnh với họ là lẽ sống, là niềm vui vĩ đại khi tận hưởng toàn bộ khoảnh khắc tuyệt vời và đắm chìm trong thế giới phim.

Khá buồn cười là nhiều bài phân tích, phê bình lại có thể viết ra hàng tá thứ ẩn dụ trong các bộ phim ấy. Nào là phản ánh thực trạng xã hội, cho đến tư tưởng chính trị được cài cắm, hay là một lời tuyên chiến ngầm với tôn giáo…v…v…, tất cả đều phụ thuộc vào trình độ của người xem, khả năng cảm thụ của mỗi cá nhân sẽ cho ra một lời giải khác nhau.

Tuy nhiên điện ảnh là để vừa xem vừa bàn luận, sự thú vị khi xem phim ngoài việc nội dung hay, diễn xuất đỉnh, quay phim đẹp…., còn đến từ phía trao đổi giữa các khán giả. Dù là người mê phim đơn thuần hay những nhà phê bình hoạt động điện ảnh lâu năm thì đều có quyền bình đẳng khi bàn về phim. Cách nghĩ của mỗi cá nhân đều là góc nhìn lý thú về điện ảnh.

Tác phẩm mang đậm tính nghệ thuật từ góc nhìn chủ quan, chứa đựng tư tưởng triết lý cá nhân và cái tôi của người đạo diễn, sẽ được nhìn nhận như thế nào tại các Liên hoan phim và các buổi lễ trao giải liên quan đến ngành điện ảnh? Liệu nhận xét của công chúng có giống với các giám khảo chuyên môn hay không?