Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh
Tại sao diễn xuất cần sự chân thật? Bởi vì khán giả sẽ không tin nếu câu chuyện và nhân vật không đủ sức thuyết phục. Khi đã không còn hứng thú thì rất khó để họ xem trọn vẹn một tác phẩm.
Kịch bản là điều đầu tiên đem đến sự hào hứng khi chọn lọc phim để xem. Nhiều người có thói quen trước khi ra rạp chiếu phim hoặc bật một tác phẩm nào đấy xem tại nhà, chính là ngó sơ qua thể loại cùng phần tóm tắt ngắn liên quan đến nội dung.
Sau vài dòng chữ giới thiệu, các cảnh phim đầu tiên trôi qua. Cách giới thiệu nhân vật, cách mở đầu câu chuyện, cách đẩy xung đột tình huống hoặc âm nhạc lẫn kỹ xảo sẽ là những phần bề nổi được người xem tiếp nhận. Sâu sắc hơn khi bắt đầu đủ kiên nhẫn để tập trung xem, phần đông sẽ dần bị cuốn vào phim nếu nó hay. Để rồi sau đấy phát sinh đồng cảm hoặc tìm được điểm giống nhau giữa đời và phim nhờ vào diễn biến hoặc chính một nhân vật nào đấy. Thông qua diễn xuất, người diễn viên sẽ là nhân tố lôi kéo mọi người ngồi trước màn hình để đi qua từ 1 đến 2 tiếng và trải nghiệm hết những gì xảy ra với “kép chính”. Nếu không đủ bản lĩnh, khi nhân vật thiếu chiều sâu và quá nhạt nhòa, đấy là lúc diễn xuất rơi vào tình trạng báo động.
Nghệ thuật diễn xuất trải qua quá trình phát triển từ những ngày bình minh của bộ môn kịch nghệ. Từ việc phát huy tối đa ngôn ngữ hình thể, múa hát, cho đến khi điện ảnh ra đời, diễn xuất được phân biệt rõ ràng với từng khía cạnh chuyên môn khác nhau.
Ở kịch nghệ, hạn chế không gian sân khấu đôi lúc khiến các khán giả ở xa khó lòng nắm bắt được trạng thái tâm lý nhân vật. Bắt buộc kịch sỹ phải biểu lộ thông qua sự nhấn nhá giọng nói, dùng động tác tay chân cử chỉ nhiều hơn, gương mặt cũng thể hiện cảm xúc thái quá lên. Tương tự như kịch, với các bộ môn như tuồng - chèo, kinh kịch hoặc cải lương – hát bội…, diễn viên sẽ vận dụng theo việc hát hoặc múa (kết hợp động tác cường điệu ở các vở diễn cổ trang). Sau cùng là kết hợp hóa trang, hoặc vẽ mặt để phân biệt nhân vật chính diện và phản diện.
Đặc trưng của diễn xuất điện ảnh thuở ban đầu vẫn chịu ảnh hưởng từ kịch sỹ. Sau cuộc “cách mạng” của Konstantin Stanislavski, hệ thống diễn xuất The Method ra đời. Người Mỹ tiếp nhận tư duy của Stanislavski để phát triển thành Method Acting và thay đổi hoàn toàn ngành diễn xuất.
Method Acting hay tư duy của Stanislavski trong diễn xuất đề cao việc đào sâu tâm lý nhân vật. Thay vì “diễn” lại một hành động hoặc tính cách nào đó, diễn viên phải học cách “hóa thân” để sống như một con người mới thật sự. Vận dụng việc sử dụng “trí tưởng tượng” hoặc “tái tạo ký ức ảo” chính là chìa khóa chính trong việc áp dụng Method Acting. Để tăng tính chân thật, sự thay đổi hình thể như cân nặng hoặc thay đổi cách phát âm – đài từ, lẫn việc nghiên cứu về tâm lý học hành vi của từng kiểu nhân vật đều được diễn viên áp dụng tối đa. Chính bởi có yếu tố tác động đến tinh thần, nên việc sử dụng Method Acting đôi lúc gây ra hiện tượng rối loạn cho người nghệ sĩ, bắt buộc cần có sự nghỉ ngơi thư giãn để có thể quay về trạng thái cân bằng.
Tại Việt Nam, từ những thập niên 50-60 đã có nhiều nghệ sĩ sang Liên Xô tu nghiệp, được học với giáo trình Stanislavski và tiếp thu lối diễn xuất kiểu mới. Các ngôi sao hoạt động trong các mảng nghệ thuật như cải lương hoặc kịch nói đều ứng dụng linh hoạt lối diễn xuất theo hệ Stanislavski.
Nhiều vở tuồng kinh điển ra đời, đi cùng đó là tiếng tăm của người nghệ sĩ để lại thông qua những vai diễn bất hủ. Tuy nhiên việc áp đảo của bộ phận nghệ sĩ kịch nói hoặc cải lương khi lấn sân điện ảnh, ít nhiều đều để lại ảnh hưởng đến thế hệ sau.
Trong số ít các diễn viên điện ảnh Việt Nam sở hữu lối diễn xuất tự nhiên, không bị ảnh hưởng bởi sự cường điệu như kịch nói thì vẫn còn tồn tại nhiều gương mặt có cách diễn gượng gạo, thiếu tính sáng tạo.
Phim Việt bị đánh giá là yếu về kịch bản và cả con người. Đạo diễn thường bị nhận xét là thiếu tư duy điện ảnh, biên kịch lại nghèo nàn ý tưởng, diễn viên thì chuyên môn quá kém. Nếu bỏ qua các bộ phận “tay ngang” có danh xưng là MC, người mẫu, ca sĩ, hot girl – hot boy với trình độ diễn ở mức tệ hại thì phần còn lại của bức tranh ngành diễn xuất là sự ảm đạm.
Người có tiềm năng thì sau vài phim bức phá lại dần chọn cho mình lối mòn, bó hẹp với duy nhất 1 dạng vai. Lại có diễn viên không đủ đam mê với nghề, không trau dồi kỹ năng khiến cho các vai diễn dần một màu hoặc “xuống phong độ” tuyệt đối. Lứa người trẻ được đào tạo bài bản hoặc có tâm huyết thì khó tìm được cơ hội để chứng minh năng lực. Song song đó còn là bởi “gu” xem phim của khán giả nước nhà. Luôn chê bai tiêu cực trước diễn xuất trong phim Việt, nhưng với một tác phẩm độc lập của lớp diễn viên mới hoặc dự án không có cái tên nào quen thuộc thì công chúng lại không quan tâm.
Cái gọi là “cơ hội tỏa sáng” không chỉ phụ thuộc vào khả năng của diễn viên, còn phải chịu sự tác động từ nhà sản xuất, từ phía dư luận và thứ gọi là “cái tên xu hướng” công chúng đang quan tâm.
Rất hiếm khi có những bài truyền thông về cách người diễn viên tiếp cận vai diễn, đầu tư công sức và hy sinh những gì. Chủ yếu dễ nhận thấy nhất là những tin tức bên lề hoặc là scandal nào đấy để đẩy tên tuổi cho người nào đó đang có dự án phim mới.
Sau tất cả, đứng trước sự tiến bộ và khắt khe hơn ở bộ phận người yêu phim, tinh thần chuyên nghiệp và nghiêm túc đã dần xuất hiện ở ngành điện ảnh tại Việt Nam. Người diễn viên có sự ý thức về việc nâng cao và bồi dưỡng chuyên môn hơn, biên kịch cũng liên tục thử sức với các ý tưởng gốc, đạo diễn Việt bắt đầu nhận thấy rằng sử dụng chiêu trò không phải hướng đi lâu dài nếu muốn thành công. Hãy cùng chờ xem sự khởi sắc của điện ảnh Việt sẽ rực rỡ như thế nào ở tương lai.