Logo Galaxy Header flex-none

Tải ứng dụng galaxy Cinema

Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh

Trang chủ / Blog điện ảnh / Điện ảnh Hàn Quốc 2019: Tất cả gọi tên Parasite

Điện ảnh Hàn Quốc 2019: Tất cả gọi tên Parasite

Vào thời điểm làn sóng Hallyu đang “làm mưa làm gió” trên khắp lục địa, xứ sở kim chi cũng đã cho ra đời không ít tác phẩm điện ảnh xuất sắc gây tiếng vang tại những lễ trao giải hay “sân chơi” đẳng cấp của thế giới. Nhưng mãi đến năm 2019, người Hàn mới có thể ăn mừng lớn khi Parasite giành được giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim Cannes. Và có thể nói, cột mốc này cũng đánh dấu một bước tiến mới trong sự ảnh hưởng, phát triển mạnh mẽ của nền văn hóa Hàn Quốc.

Sự lấn át của Làn sóng Hallyu

Từ đầu thế kỷ 21, Làn sóng Hallyu hay còn gọi Làn sóng Hàn Quốc thông qua những bộ phim truyền hình và âm nhạc đại chúng (K-pop) đã tạo nên một “cơn sốt” mạnh mẽ trong khắp châu Lục. Những bộ phim dài tập như Bản Tình Ca Mùa Đông, Nàng Dae Jang Geum, Ngôi Nhà Hạnh Phúc,... hay các nhóm nhạc DBSK, Super Junior, Big Bang... cùng những bài hát của họ có thể được phát, được nghe thấy bất kỳ nơi đâu từ Hàn Quốc cho đến Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... 

Làn sóng Hallyu luôn có sự dịch chuyển, biến đổi liên tục - chính vì thế mà sức ảnh hưởng của nó không hề có dấu hiệu giảm sút mà ngược lại. Những bộ phim truyền hình có đề tài làm về tình cảm sướt mướt, ung thư máu đã ở trong thì quá khứ rất xa, thay vào đấy những thể loại như tâm lý gia đình, học đường, tâm linh, giả tưởng lại được ưa thích hơn.  Các ca sĩ, nhóm nhạc hàng đầu K-pop giờ đây đã có thể tổ chức những buổi trình diễn tại các nước Mỹ, Mexico, Australia với sự cổ vũ của hàng chục - hàng trăm ngàn người hâm mộ chứ không riêng gì ở châu Á. Điển hình có thể kể đến chuyến lưu diễn MADE World Tour 2015 - 2016 của Big Bang. Theo đó, nhóm nhạc hàng đầu K-pop này đã có tổng cộng 66 buổi trình diễn (bao gồm: 56 buổi ở châu Á, 7 buổi tại Bắc Mỹ và 3 buổi tại châu Đại Dương). Cũng không thể không nhắc đến cái tên Gangnam Style - Ca khúc với vũ đạo “nhảy ngựa” nổi tiếng đã chính thức đưa K-pop cũng như Làn sóng Hallyu vươn ra khắp toàn cầu. 

Gangnam Style - Ca khúc với vũ đạo “nhảy ngựa” nổi tiếng đã chính thức đưa K-pop cũng như Làn sóng Hallyu vươn ra khắp toàn cầu

Tất nhiên, sự thành công của phim truyền hình và âm nhạc đã trở thành kênh quảng bá vô cùng hiệu quả cho nhiều lĩnh vực, khía cạnh khác từ đất nước Hàn Quốc. Tiêu biểu có thể kể đến như ẩm thực, thời trang, tiếng Hàn hay du lịch. 

Và vào thời điểm làn sóng Hallyu đang “làm mưa làm gió”, xứ sở kim chi cũng đã cho ra đời không ít tác phẩm điện ảnh xuất sắc gây tiếng vang tại những lễ trao giải hay “sân chơi” đẳng cấp của thế giới. 

Sự chờ đợi được đền đáp

Thực tế từ trước khi Làn sóng Hallyu được hình thành, nền công nghiệp điện ảnh Hàn đã có kha khá thành tựu đáng tự hào.

Phim điện ảnh đầu tiên của quốc gia này giành được một giải thưởng quốc tế chính thức là The Coachman của đạo diễn Kang Dae Jin với giải Gấu Bạc tại Liên hoan phim (LHP) Berlin lần thứ 11. Ở một “sân chơi” danh giá không kém là LHP Venice 1987,  nữ diễn viên Kang Soo Yeon đã được gọi tên ở hạng mục Nữ diễn viên xuất sắc nhất nhờ màn trình diễn đỉnh cao trong phim The Surrogate Woman của đạo diễn Im Kwon Taek...

Bước vào thế kỷ 21, vượt lên những khủng hoảng do ảnh hưởng của chính trị tạo ra, điện ảnh Hàn Quốc đã cho thấy sự phát triển nhanh chóng của mình. Các tác phẩm của xứ sở kim chi ngày càng được đánh giá cao tại đấu trường quốc tế.  

Năm 2004, giải thưởng Grand Prix (chỉ xếp sau giải Cành Cọ Vàng) của tác phẩm Oldboy (Đạo diễn Park Chan Wook) tại LHP Cannes đã trở thành một cột mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử điện ảnh Hàn. Hai năm sau đó, “đứa con” tinh thần Pietà của đạo diễn Kim Ki Duk thắng giải thưởng cao quý nhất tại LHP Venice lần thứ 69 - Giải Sư Tử Vàng. Năm 2016, The Handmaiden của đạo diễn Park Chan Wook là phim Hàn đầu tiên chiến thắng hạng mục Phim Nói Tiếng Nước Ngoài Xuất Sắc Nhất của giải BAFTA (Giải thưởng Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật Điện Ảnh Và Truyền Hình Anh Quốc). 

Đầu năm 2019, Burning của đạo diễn Lee Chang Dong khiến cả Hàn Quốc “chấn động” khi lọt vào top 9 cái tên được đề cử cho giải Phim Nói Tiếng Nước Ngoài Xuất Sắc Nhất tại Oscar. Có lẽ năm 2019 là năm vàng của điện ảnh Hàn khi chỉ chưa đầy 5 tháng sau đó, sau bao lần tiếc nuối, cuối cùng một bộ phim của quốc gia này cũng được vinh danh ở hạng mục quan trọng nhất tại LHP Cannes.  

Tháng 5.2019, Parasite của đạo diễn Bong Joon Ho đã xuất sắc dành giải Cành Cọ Vàng. Không chỉ được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, bộ phim hay này còn tạo ra được những kỷ lục phòng vé đáng nể ở trong nước và trên thị trường quốc tế. Điển hình như ở Việt Nam, sau 2 tuần công chiếu, Parasite (tựa Việt: Ký Sinh Trùng) đã trở thành phim Hàn có doanh thu cao nhất mọi thời đại với 50 tỷ đồng. Trước đó, phim cũng lập kỷ lục là phim Hàn có doanh thu mở màn cao nhất ở Pháp… 

Nhiều chuyên gia đã nhận định Parasite là ứng viên nặng ký nhất ở hạng mục Phim quốc tế hay nhất

Thời điểm hiện tại, không chỉ đoàn làm phim Parasite mà có lẽ là cả Đại Hàn Dân Quốc đang hồi hộp theo dõi tin tức từ Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh. Parasite đã lọt vào danh sách 10 ứng viên tranh giải ở hai hạng mục Phim quốc tế hay nhất và Ca khúc trong phim hay nhất của Giải thưởng điện ảnh Oscar lần thứ 92. Như đã nói ở trên, Burning của đạo diễn Lee Chang Dong cũng đã làm được điều này nhưng rõ ràng rằng, Parasite có tiềm năng hơn rất nhiều. Thậm chí nhiều chuyên gia đã nhận định bộ phim hay này là ứng viên nặng ký nhất ở hạng mục Phim quốc tế hay nhất. Nếu điều này thành hiện thực, không chỉ Hàn Quốc mà đây sẽ là một cột mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử điện ảnh châu Á. 

Những người làm phim đến từ xứ sở kim chi đã tự tạo dấu ấn của mình trên bản đồ điện ảnh thế giới từ rất lâu nhưng vào thời điểm đó, lĩnh vực phim truyền hình và K-pop lại chiếm ưu thế vượt trội. Nhưng ngày nay, điện ảnh chính là “vũ khí” mà người Hàn tự hào nhất khi giới thiệu nền văn hóa của họ đến bạn bè năm châu. Hãy chờ xem, liệu điện ảnh Hàn sẽ còn làm được những kỳ tích gì nữa trong tương lai?!