Logo Galaxy Header flex-none

Tải ứng dụng galaxy Cinema

Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh

Trang chủ / Bình luận phim / [Review] Turning Red: Mặt Trái Của Những Gia Đình Châu Á

[Review] Turning Red: Mặt Trái Của Những Gia Đình Châu Á

Nếu đang tìm một phim chiếu rạp dành cho cả gia đình, chắc chắn, bạn không thể bỏ qua Turning Red – tác phẩm hoạt hình thứ 25 sâu sắc và tuyệt vời từ xưởng phim hoạt hình huyền thoại Pixar.

Hãy đến Toronto năm 2002 và gặp Mei - 13 tuổi. Cô nhóc đang sống cuộc đời dường như hoàn hảo. Luôn đạt điểm cao ở trường, chơi thể thao giỏi, tài lẻ cực đỉnh, thầy yêu bạn mến… Ấy vậy mà, mọi chuyện bỗng lộn-tùng-phèo khi Mei được tổ tiên trao “phần quà”” chẳng hề mong muốn – biến thành gấu trúc đỏ lúc cảm xúc thay đổi.

 Quay về cuộc sống bình thường trước kia bằng cách nào đây?

Đó là những gì trailer Turning Red hé lộ. Tuy nhiên, hóa ra Gấu Đỏ Biến Hình đâu đơn giản là hành trình bé Mei tìm cách hóa giải lời nguyền, Pixar đã lồng ghép vào đó một câu chuyện cực kì đáng suy ngẫm.

Cùng hồi tưởng mùa hè 2018, công chúng đang háo hức chờ xem tuyệt phẩm Incredibles 2 lại nhận thêm món quà tuyệt vời -  phim ngắn lấy đề tài về người mẹ và đứa con trai trong gia đình châu Á. Đó là Bao do Domee Shi làm đạo diễn kiêm biên kịch. Câu Chuyện Bánh Bao giành luôn tượng vàng Oscar Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất năm 2019.   

Lần này, Turning Red cũng do Domee Shi cầm trịch tiếp tục chọn đề tài gia đình Á châu với loạt vấn đề rất đỗi quen thuộc. Nhiều bộ phim tương tự thường nhấn vào sự bao bọc đến thái quá mà các bậc cha mẹ dành cho con cái hoặc kì vọng của họ đổ dồn thành gánh nặng. Turning Red đào sâu cả hai khía cạnh. Bình cũ rượu lại mới, Gấu Đỏ Biến Hình khai thác hoàn toàn khác biệt.

Nữ đạo diễn người Trung Quốc - Domee Shi chuyển đến Canada khi mới lên 2. Năm 2018, Shi là nữ đạo diễn phim ngắn đầu tiên của nhà Pixar. Giờ đây, cô là nữ chỉ đạo phim hoạt hình đầu tiên. Sinh năm 1989, tuổi Shi hoàn toàn trùng khớp với Mei. Câu chuyện về Bao và Mei hẳn là rút tỉa từ trải nghiệm bản thân cô cũng như những người bạn châu Á khác tại trời Tây. Chính vì thế, cả Bao lẫn Turning Red đều rất đỗi gần gũi.

Mei là đứa trẻ “con nhà người ta” trong miệng bao ông bố bà mẹ. Cô bé đại diện cho hình ảnh dân châu Á trên phim Mỹ. Không “mọt sách” thì “luôn đạt điểm A”, nguyện vọng tương lai không bác sĩ thì kĩ sư. Vậy mà, theo Ming – mẹ Mei, con gái cần cố gắng hơn nữa, phải thế này, phải thế kia. Mei bị bắt buộc làm theo, bất chấp nguyện vọng cá nhân. Chữ HIẾU được đặt trang trọng đầu phim và ẩn ý thông qua các câu thoại càng nhấn mạnh quan điểm “thờ cha kính mẹ” hàng đầu của người Á Đông.

Turning Red là một tác phẩm gia đình chẳng hề có phản diện. Dẫu vậy, nếu chọn “đại diện phe ác”, ắt hẳn là Ming. Cô luôn xuất hiện với vẻ ngoài chỉn chu, kiểu tóc gọn gàng, bông tai cẩm thạch và động tác cùng lời nói chuẩn mực. Ming muốn con trở nên “hoàn hảo” như mình. Cô sát sao mọi thứ về con gái, từ bạn bè tới tình cảm theo cách vô cùng đáng sợ. Chắc chắn, nhiều phân cảnh ở Turning Red sẽ khiến khán giả đồng cảm.

Để rồi, khi mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát, Ming làm ra hành động khó thể tưởng tượng. So với hình ảnh người mẹ ăn luôn chiếc bánh bao (Bao), Turning Red dài 100 phút đã xử lý tình huống “cồng kềnh” hẳn. Tuy nhiên, điều này lại giúp bộ phim gây xúc động hơn.

Đặc biệt, đoạn kết chưa hẳn hoàn hảo chắc chắn là một trong những kết thúc đáng nhớ nhất xưởng phim hoạt hình lừng danh từng tạo nên.

Pixar chẳng bao giờ để công chúng thất vọng về khâu đồ họa. Hãy ra rạp chiếu phim và tận hưởng cảm giác từng cọng lông gấu trúc đỏ sống động, khiến bất cứ ai cũng muốn vùi đầu vào dụi. Từ đuôi xù, tai vểnh tới “măng cụt” của Mei cùng các gấu trúc khác đều đẹp xuất sắc. Bối cảnh đường phố hay trường học quen thuộc đều chăm chút tỉ mỉ và chi tiết. Tuyệt vời hơn cả, concert ban nhạc 4*Town thật sự hồi sinh không khí đại nhạc hội thời 2000.

Phong cách ăn mặc đầu thế kỉ 21 như dây thắt, đồng hồ, băng đô… được thể hiện tinh tế thông qua Mei và nhóm bạn thân Miriam, Priya, Abby. Dĩ nhiên, khó thể bỏ qua tamagochi hay còn gọi là gà ảo - thứ đồ chơi từng gây sốt toàn thế giới, trong đó có cả Việt Nam.

Phim trình làng hàng loạt “trứng Phục Sinh” liên quan đến Lightyear, The Simpsons, Luca, Inside Out, Finding NemoBao cũng xuất hiện trên tấm biển nhà hàng ở khu phố người Hoa. Ngoài ra, quyển sách Priya đọc nhại Twilight Saga nổi tiếng của Stephenie Meyer. Lấy bối cảnh nam 2002, ca khúc It's Gonna Be Me bắt tai chủ đề phim thuộc về nhóm nhạc lừng danh NSYNC. Có lẽ, nhóm nhạc nam lừng lẫy mà Justin Timberlake là thành viên chính là nguồn cảm hứng tạo ra 4*Town.

Vừa gần gũi trẻ nhỏ lại hết sức quen thuộc với các bậc làm cha mẹ thuộc thế hệ Y, Turning Red chắc chắn là chiếc chìa khóa thần kì để gia đình hiểu nhau hơn. Sao nỡ bỏ qua tác phẩm tuyệt vời này?