Logo Galaxy Header flex-none

Tải ứng dụng galaxy Cinema

Tra cứu lịch chiếu và đặt vé siêu nhanh

Trang chủ / Bình luận phim / [Review] San Andreas: Trải Nghiệm Thảm Họa Động Đất Chân Thật Và Đáng Giá

[Review] San Andreas: Trải Nghiệm Thảm Họa Động Đất Chân Thật Và Đáng Giá

San Andreas (Khe nứt San Andreas) mang đến cho người xem đúng với những gì họ mong chờ: Một phim thảm họa cháy nổ với kỹ xảo hoành tráng, kịch tính, dễ xem, một lựa chọn giải trí phù hợp mùa hè dù đặt trong câu chuyện tình cảm gia đình có phần chưa trau chuốt.

Phim mở đầu bằng một cảnh giải cứu hồi hộp trên vách núi. Khi một chiếc xe hơi gặp tai nạn và mắc kẹt ngay trên bờ vực thẳm, đội giải cứu trực thăng do Ray (Dwayner Johnson) chỉ huy nhanh chóng tiếp cận. Ray, được miêu tả như một người hùng thầm lặng “nói ít làm nhiều”, đã lèo lái chiếc trực thăng luồn lách giữa các vách đá nguy hiểm, trước khi tự mình cứu mạng cô gái và một đồng đội mắc kẹt.

Một cảnh phim mào đầu để miêu tả tài năng, lòng dũng cảm, và trên hết, sức hấp dẫn trên màn ảnh của Johnson. Anh là một trong những trường hợp xuất thân đô vật hiếm hoi thành công trên màn ảnh rộng, không phải chỉ vì cơ bắp, mà ở cái duyên và sức hút tự nhiên mỗi khi xuất hiện. Tượng tự như Arnold Schwazenegger trước kia. Dù rằng Johnson đạt được thành công phần lớn nhờ các vai phụ, như sĩ quan Hobbs trong Furious 7, hơn là bằng các vai chính dù rất chăm chỉ. San Andreas là nỗ lực tiếp theo của anh trong việc trở thành một nam chính thực thụ ở Hollywood, tiếp sau các phim Hercules (2014), Snitch (2013)...

Ngoài việc phải đối mặt với hiểm nguy trong công việc, Ray còn đang đối mặt với một gia đình tan vỡ, khi người vợ cũ Emme (Carla Gugino) và cô con gái Blake (Alexandra Daddario) chuẩn bị chuyển vào sống chung với một người đàn ông khác. Tuy nhiên, Ray không có thời gian cho đau buồn, bởi gần như lập tức, một cơn địa chấn kinh hoàng đã xuất hiện và thay đổi mọi thứ.

San Andreas, được đạo diễn bởi Brad Peyton, người lần đầu làm một phim kinh phí lớn, không tốn quá nhiều thời gian để giới thiệu hay xây dựng không khí. Anh đưa người xem vào ngay một đại cảnh hoành tráng ấn tượng, khi con đập Hoover nổi tiếng rung chuyển và vỡ vụn hoàn toàn. Ở đó, giáo sư địa chất Hayes (Giamatti) đang nghiên cứu cùng đồng nghiệp mong có thể dự đoán trước thảm họa. Thoát chết và trở về trụ sở, ông kinh hoàng phát hiện ra cả đường phay San Andreas, một đường đứt gãy địa chất chạy xuyên qua tiểu bang Carlifornia, đang đồng loạt báo động. Hayes cho rằng, một cơn động đất có sức tàn phá lớn nhất lịch sử sắp sửa xảy ra.

Nói về sự mới mẻ, thì San Andreas không có quá nhiều sự khác biệt so với những phim thảm họa trước đó. Nhưng Peyton làm được điều mà anh cần làm, đó là khiến người xem cảm nhận được sự khốc liệt của tự nhiên và tái hiện hoàn cảnh đáng sợ khi ở trong một cơn động đất thật sự, điều mà hầu hết khán giả Việt chưa từng được trải nghiệm. Một cảnh quay dài (long shot) thực hiện rất tốt trong tòa nhà mà người vợ Emma mắc kẹt, mang đến cảm giác chân thực đến thót tim với những tảng đá rơi, sàn nhà sụp xuống, với khung cảnh cả thành phố rung chuyển từ khung cửa sổ, và cái chết có thể xảy ra bất thình lình từ bất kỳ nơi đâu. Nhưng động đất chưa phải là tất cả, những cơn dư chấn kế tiếp, và một cơn sóng thần khổng lồ tiếp tục là mối đe dọa cho những người sống sót.

Xuyên suốt bộ phim là những cảnh biểu tượng đã được sử dụng rất nhiều lần, như chiếc cầu Cổng Vàng “tiếp tục” bị phá hủy, biểu tượng Hollywood trên đồi đổ vỡ, những tòa nhà nổi tiếng lần lượt trở thành bình địa. Có thể thấy rằng Peyton vẫn còn khá thiếu kinh nghiệm ở việc tạo ra hoàn cảnh kịch tính. Tương tự như cảnh bắt lửa khi giải cứu Emma, bất cứ khi nào Ray muốn làm một điều gì, sẽ có một trở ngại xuất hiện để “làm nền” một cách khá thiếu tự nhiên. Nhưng phần kỹ xảo và âm thanh đủ sức che lấp hoặc khiến người xem không còn để ý đến, mà bị cuốn vào những hình ảnh khói lửa cháy nổ trên màn ảnh.

Sau khi giải cứu Emma, Ray và cô quyết định sẽ cùng nhau đi tìm cô con gái đang mắc kẹt ở đâu đó. Cốt lõi của phim, là về một người hùng, nhưng không phải cứu rỗi thế giới, mà cứu lấy và giành lại gia đình mình. Peyton đã dành khá nhiều thời gian và công sức để tạo ra một câu chuyện về tình cảm gia đình bình dị và xúc động. Khi ở cùng nhau, cả người vợ cũ và Ray phải vượt qua những ám ảnh từ mất mát  đau thương trong quá khứ, tha thứ cho nhau và tha thứ cho bản thân mình, để tìm lại tình yêu lần nữa. Johnson và Gugino đã từng hợp tác với nhau trước đó, nên không khó khăn để tìm thấy sự ăn ý, và có một số cảnh khiến người xem mủi lòng. Tuy nhiên, về tổng thể, câu chuyện gia đình vẫn còn khá đơn giản và chưa hòa quyện được vào cơn thảm họa, như trong một phim chung đề tài khác là The Impossible vào năm 2012.

Nhìn chung, San Andreas vẫn là một nỗ lực và là màn “ra mắt” đáng khen của Peyton ở “mặt trận” bom tấn hè.  So với mặt bằng chung hiện tại thì đây vẫn là một phim đáng xem và sẽ khiến khán giả hài lòng khi bước ra khỏi rạp. Phim không hề cố gắng để làm quá sức, mà mang đến cho người xem đúng điều họ chờ đợi, ở mức độ họ chờ đợi. Một điều khá hữu ích khác là Peyton và các diễn viên rất chịu khó cung cấp các kiến thức cơ bản để sống sót trong cơn động đất thật sự, như tìm chỗ trú ẩn, “tam giác sự sống”, cách xử lý các tình huống khẩn cấp, do đó, rất có giá trị học hỏi cho cả người lớn và trẻ em. Đặc biệt sau biến cố bi thương xảy ra tại Nepal vừa qua.

Đặt vé tại đây: 

Phiên bản 2D: https://www.galaxycine.vn/vi/thong-tin-phim/khe-nut-san-andreas
Phiên bản 3D: https://www.galaxycine.vn/vi/thong-tin-phim/khe-nut-san-andreas-1

 

Xem thêm:

INSIDIOUS 3: CHƯƠNG ĐEN TỐI NHẤT, KHÁC BIỆT NHẤT TRONG TẤT CẢ

TOMORROWLAND: MÓN QUÀ CHO KẺ MỘNG MƠ

SPY: "PHIÊN BẢN NỮ" HÀI HƯỚC TUYỆT ĐỈNH CỦA JAMES BOND